- Loài cá này nổi tiếng với khả năng đi bộ, leo cây. Chúng phân bố khá rộng trên toàn thế giới.
- Một trong những đặc điểm 'khốn khổ' của chúng chính là bị muỗi tấn công.
- Chúng khắc phục điều này như thế nào?
Đó chính là Cá thòi lòi khổng lồ (Periophthalmodon schlosseri).
Theo Bách khoa toàn thư tiếng Anh Britannica, cá thòi lòi khổng lồ là một trong những loài cá thòi lòi lớn nhất trên thế giới, thuộc họ Gobiidae. Loài cá này phân bố rộng rãi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ châu Phi đến Polynesia, Úc. Chúng thường được tìm thấy ở môi trường sống nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, nhưng một số loài cũng sống ở vùng ôn đới.
Loài này được nhận dạng nhờ màu cơ thể từ nhạt đến nâu sẫm, được trang trí bằng sọc đen ở mỗi bên sườn kéo dài từ mắt đến gốc đuôi.
Môi trường sống ưa thích của chúng là đầm lầy, rừng ngập mặn, hoặc dọc các bãi bùn ở cửa sông. Thủy triều rút là lúc chúng 'mở tiệc' kiếm ăn. Ngược lại, khi thủy triều lên, cá thường rút vào hang để tránh việc trở thành con mồi của thiên địch.
Những món quà tuyệt vời cho loài cá biết đi bộKhả năng độc lạ của loài cá thòi lòi khổng lồ chính là chúng có thể nhảy ra khỏi nước, đi lại trên bùn và leo trèo lên các rễ cây. Để làm được điều này, tạo hóa đã ban tặng cho chúng những món quà tuyệt vời:
Cơ thể chúng thon dài như quả ngư lôi, kích cỡ dưới 30 cm, có vây lưng và vây ngực. Đặc biệt, cặp vây ngực rất khỏe mạnh, giúp chúng có thể dễ dàng đi lại trên cạn để kiếm mồi. Đầu chúng to và có hai đôi mắt rất lớn.
Đôi mắt có khả năng di động và có thể thu vào. Mỗi mắt có thể di chuyển độc lập với mắt kia và có tầm nhìn rộng. Cá thòi lòi có thể nhìn gần như 360 độ xung quanh chúng. Chúng có tầm nhìn tuyệt vời trên cạn, nhưng tầm nhìn dưới nước lại không tốt lắm.
Khi chiếc vây ở lưng dựng lên, đó là lúc chúng ngầm báo hiệu cho đồng loại rằng, vùng đất kiếm ăn này đã 'có chủ'. Dẫu vậy, sự tranh chấp vẫn diễn ra.
Hai con cá thòi lòi khổng lồ giương vây lên, chuẩn bị lao vào đánh nhau, bảo vệ chủ quyền.
Giống như các loài cá khác, cá thòi lòi khổng lồ thở bằng mang. Khi cá thòi lòi lên cạn, nó đóng các khoang mang, giữ nước và không khí bên trong các khoang này. Do đó, mang có thể tiếp tục hoạt động bởi nếu mang bị khô, chúng sẽ dính vào nhau và không còn khả năng hấp thụ oxy. Các khoang mang mở rộng để hấp thụ oxy tối đa, thường khiến con vật trông giống như bị phồng má.
Cá thòi lòi khồng lồ còn có những cách khác để thở trên cạn ngoài việc sử dụng mang. Chúng còn hấp thụ oxy qua da, niêm mạc miệng và cổ họng. Điều kiện cần là da chúng phải ẩm. Cá thòi lòi nói chung cần môi trường ẩm ướt để tồn tại trên cạn hoặc phải định kỳ quay trở lại vùng nước hoặc lăn trong bùn để làm ẩm toàn thân.
Cơ chế hít-thở này giúp chúng vẫn sống tốt khi ở trên cạn - một khả năng không tưởng ở loài cá này.
Cá thòi lòi khổng lồ ăn chủ yếu là động vật không xương sống ở vùng bãi triều. Là một thợ săn hung hãn, chúng thích ăn cua, tôm, giun và côn trùng. Chúng thậm chí có thể ăn thịt những con cá thòi lòi nhỏ hơn, Ecologyasia thông tin. Thủy triều rút là lúc đàn cá thòi lòi khổng lồ đi bộ kiếm ăn.
Tuy nhiên, khi ở trên cạn, chúng phải đối mặt với một rắc rối hiếm có trong thế giới loài cá: Chúng bị muỗi đốt.
Trong bộ phim tài liệu về cá thòi lòi khổng lồ, VTV2 bình luận rằng, cá thòi lòi khổng lồ có lẽ là loài cá duy nhất trên thế giới bị muỗi đốt. Những con muỗi trong các khu rừng, cửa sông rất thích hút máu loài cá này, đặc biệt là phần đầu.
Dù là dưới nước...
Hay trên cạn, những con muỗi đói vẫn chẳng tha những con cá thòi lòi khổng lồ.
Vậy chúng làm gì để tránh điều phiền toái này?
Khi muỗi tập trung đốt nhiều ở phần đầu (khi chúng đi bộ kiếm ăn), cá thòi lòi khổng lồ quẫy mạnh người để xua đàn muỗi hoặc vùi cơ thể vào đống bùn để tránh muỗi.
Xem video:
Cá thòi lòi khổng lồ quẫy mạnh người để đuổi đàn muỗi háu đói. Nguồn: Besgroup
Có đôi khi, chúng buộc phải xuống nước để tránh đàn muỗi háu đói.
Xem video:
Cá thòi lòi khổng lồ ngâm mình dưới nước để tránh muỗi. Nguồn: Besgroup
Dẫu vậy, đàn muỗi khát máu vẫn không buông tha cá thòi lòi. Chúng chỉ trực tìm ra kẽ hở trên dá cá thòi lòi để hút máu.
Tham khảo: Britannica, Besgroup